Đau mắt đỏ là một bệnh lý thường gặp ở trẻ em, đặc biệt vào mùa nóng, ẩm hoặc giao mùa. Bệnh không chỉ gây khó chịu, đau rát cho trẻ mà còn có thể để lại những biến chứng nguy hiểm nếu không được chăm sóc và điều trị kịp thời. Vậy trẻ bị đau mắt đỏ nên làm gì? Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị bệnh như thế nào? Hãy cùng Bewell tìm hiểu trong bài viết sau đây.
Đau mắt đỏ là tên thường gọi của chứng viêm kết mạc – một bệnh viêm nhiễm cấp tính tại mắt. Kết mạc là lớp màng trong suốt bao phủ phần trước của tròng trắng (củng mạc) và phần trong của mi mắt. Khi kết mạc bị viêm, các mạch máu sẽ giãn nở, làm cho lòng trắng của mắt có màu đỏ. Đây là dấu hiệu dễ nhận biết nhất của bệnh.
Mí mắt sưng đỏ, có cảm giác cộm xốn, khó chịu
Mắt tiết ra dịch nhầy hoặc ghèn, có thể là màu vàng hoặc xanh lá cây
Mắt có cảm giác ngứa
Nhạy cảm với ánh sáng
Trẻ có thể sốt nhẹ, ho khan, có hạch ở vùng cổ
Đau mắt đỏ ở trẻ em chủ yếu là do Adenovirus hoặc do vi khuẩn như liên cầu, tụ cầu, phế cầu gây ra. Bệnh thường xảy ra ở những nơi có điều kiện sống thấp, ẩm ướt. Khi trẻ bị đau mắt đỏ, các mẹ phải đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế có chuyên khoa mắt, tuyệt đối không được sử dụng các phương pháp như đắp lá vào mắt trẻ như là trầu, lá dâu…hay nhỏ sữa vào mắt trẻ.
Bệnh đau mắt đỏ có thể lây qua các hình thức sau:
Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh
Chạm vào những đồ vật của người bệnh như tay nắm cửa, bàn ghế
Sử dụng chung vật dụng cá nhân với người bệnh như khăn mặt, gối, chậu rửa mặt
Dùng chung nguồn nước nhiễm bệnh
Tiếp xúc chung nguồn nước với người bị bệnh như ở hồ bơi
Để điều trị bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em, cha mẹ cần tuân thủ theo chỉ dẫn của bác sĩ. Tùy vào nguyên nhân gây bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc kháng sinh hoặc kháng virus để nhỏ mắt cho trẻ. Ngoài ra, cha mẹ cũng có thể áp dụng các biện pháp chăm sóc sau để giúp trẻ dễ chịu hơn:
Nhỏ mắt cho trẻ bằng nước muối sinh lý (NaCl 0,9%) khoảng 5 - 7 lần một ngày. Mỗi thành viên trong gia đình nên dùng riêng một lọ nước muối sinh lý, không dùng chung kể cả những người không có bệnh.
Vệ sinh mắt cho trẻ hàng ngày bằng cách rửa sạch tay, dùng gạc vô trùng thấm nước muối sinh lý và lau nhẹ nhàng theo chiều từ đầu đến đuôi mắt. Mỗi ngày có thể vệ sinh mắt cho trẻ 3 lần vào thời điểm sáng trưa tối sau khi ngủ dậy.
Cho trẻ dùng khăn riêng và khăn sau khi sử dụng cần được giặt sạch và phơi khô
Tăng cường sức đề kháng cho trẻ bằng cách cho trẻ ăn nhiều rau củ quả, uống nhiều nước, ngủ đủ giấc. Đối với trẻ đang bú mẹ, khi con bị đau mắt đỏ hay các bệnh do virus thì mẹ cần cho con bú bình thường.
Hạn chế tiếp xúc của trẻ với những người hoặc vật dụng có thể lây nhiễm bệnh
Thường xuyên vệ sinh tay của trẻ bằng xà phòng hoặc nước rửa tay nhanh
Để phòng ngừa bệnh đau mắt đỏ ở trẻ em, cha mẹ cần chú ý các điều sau:
Giữ cho tay và mặt của trẻ luôn sạch sẽ
Khuyến khích trẻ rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi chơi, đi vệ sinh hoặc tiếp xúc với người bệnh
Không cho trẻ chia sẻ vật dụng cá nhân như khăn, gối, kính, chậu rửa mặt…với người khác
Tránh cho trẻ tiếp xúc với những người hoặc vật dụng có thể lây nhiễm bệnh
Thường xuyên kiểm tra mắt của trẻ, nếu thấy có dấu hiệu bất thường như đỏ, sưng, chảy nước mắt, ghèn…thì nên đưa trẻ đi khám ngay
Nếu trẻ đang đi học, cần thông báo với giáo viên và nhà trường về tình trạng bệnh của trẻ và cho trẻ nghỉ học cho đến khi hết bệnh
Nếu có thể, nên cho trẻ đeo kính bảo vệ mắt khi ra ngoài hoặc tiếp xúc với ánh sáng mạnh
Đau mắt đỏ là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em, nhưng không phải là bệnh nguy hiểm nếu được phát hiện và điều trị sớm. Cha mẹ cần chú ý đến các nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị cũng như phòng ngừa bệnh để giúp trẻ có một đôi mắt khỏe mạnh và sáng.